Trả lời các câu hỏi về bệnh hen suyễn (phần
2)

Câu
hỏi:
Con gái em năm nay gần 6 tuổi nhưng từ khi cháu còn nhỏ khoảng 4-5 tháng
bắt đầu ho liên tục và thường xuyên phải uống kháng sinh (tính đến nay
trung bình cũng 1 tháng uống kháng sinh 1 đợt). Khi đi khám các bác sỹ
thường hỏi nhà có ai bị hen không thì gia đình có ông nội cháu ngày đi
bộ đội phải xuống ao vớt bùn lạnh quá cũng bị hen 1 thời gian nhưng sau
này đã được chữa khỏi tuyệt đối không bị nữa. Cơ địa của cháu thường bị
ngứa ngáy khó chịu nhất là vào buổi sáng lại bị mẩn đỏ lên phải gãi mất
khoảng 30’ mới bớt. Cháu thường ho suốt ngày khi trở trời lúc có đờm lúc
không nhưng ho thường xuyên đến nỗi mà em nghe bây giờ nó thành rất quen
thuộc và cứ kệ nó không muốn chữa nữa vì chữa không dứt, con uống nhiều
kháng sinh mà bệnh thì vài hôm lại tái. Em đã đi các bệnh viện nhưng
tình hình không khả quan, các loại thuốc đều đã uống qua từ viên phế
quản đến hen phế quản đến hen suyễn… và em rút ra 1 điều là các bác sĩ
khi khám cũng không chẩn đoán được chính xác bệnh thực sự vì bị suyễn
chỉ khi lên cơn mới phát hiện được chính xác mà tình trạng con em thì
chủ yếu về đêm mới khò khè. Cháu ngủ ngực kêu o o như con mèo gừ ấy chị
ạ, đêm nào ho cả tiếng cũng ói hết mới ngủ yên và sáng lúc ngủ dậy cũng
ho dữ dội nữa. Khi đi khám thì cũng đã nửa buổi sáng rồi lúc đó lại
không có triệu chứng ấy nữa nên con em cứ bị uống kháng sinh suốt, và
những kết luận của bác sỹ em cũng không còn tin tưởng nữa (vì chính các
bác sĩ nói là khi lên cơn mới biết chính xác có bị suyễn hay không). Em
muốn bác sĩ tư vấn giúp em có xét nghiệm nào hay có địa chỉ nào chính
xác phát hiện được con em có bị hen suyễn hay không (có thể chỉ là viên
phế quản dạng suyễn, suyễn sữa…) kể cả lúc bình thường hoặc lúc bệnh
nhưng không vào buổi đêm. Hoặc có dịch vụ nào có thể kiểm tra được chính
xác chị tư vấn giúp em nhé chứ em cũng nản quá rồi không biết làm sao
nữa. Cảm ơn chị nhiều nhiều. Có kết quả phiền chị gửi về địa chỉ mail
cho em:
luyennt@...l.com.vn.
TS.BS Phan Hữu Nguyệt
Diễm:
Với những
triệu chứng như chị kể có thể nghĩ đến cháu đã bị hen.Cháu ho tái đi tái
lại phải dùng kháng sinh thường xuyên, ho tăng về đêm và lúc sáng vừa
ngủ dậy, ho tăng khi thay đổi thời tiết. Đêm cháu ngủ ngực kêu o o như
con mèo mà từ chuyên môn gọi đó là triệu chứng khò khè. Thật sự đối với
trẻ con để xác định bé có thật sự hen hay không không cần thiết bác sĩ
phải chờ đến lúc có cơn hen điển hình, vì có nhiều cháu bị hen chỉ biễu
hiện duy nhất là ho cơn hoặc chỉ ho kéo dài. Đối với trẻ 6 tuổi như con
chị thì có thể chần đoán xác định có hen hay không dựa vào các triệu
chứng rất điển hình như chị đã kể, cộng với tiền sử hen của ông nội và
hay nổi mề đay của cháu, chúng tôi có thể làm thêm xét nghiệm đo chức
năng hô hấp của cháu,và thử dùng thuốc dãn phế quản chúng tôi có thể trả
lời ngay là cháu có bị hen hay không. Chị có thể mang cháu đến khám tại
phòng khám chuyên khoa hô hấp của Bệnh viện Nhi Đồng 1 để được khám,tư
vấn và làm xét nghiệm đo chức năng hô hấp.
Câu hỏi:
Cháu tôi được 30 tháng, vừa rồi cháu có ho và sốt rất cao, có đưa đến
bệnh viện Nhi Đồng khám; BS khám đã cho làm xét nghiệm máu và chụp hình
phổi kết quả là cháu bị viêm tiểu phổi, BS điều trị có cho toa thuốc về
uống 04 ngày, nhưng uống đến ngày thứ 2 thí cháu bị sổ mũi, biếng ăn và
ít hoạt động hơn thường ngày, nhưng vẫn còn sốt khi hết liều thuốc, cứ
hết thuốc là sốt cho uống lại thi lại hết sốt cứ tình trạng như thế đã
hai ngày, tôi sợ cho uống nhiều thuốc quá trong vài ngày liền có ảnh
hưởng gì đến bé không, và hiện tại phải uống tiếp hai ngày thuốc còn lại
hay đến bệnh viện liền ( vì bé ngày càng lười vận động và ho, sổ mũi
nhiều, sốt thì uống thuốc vào lại hết) tôi sợ để lâu ngày bé có bi
chuyển qua hen suyễn hay không?) tình trạng này liệu có nguy hiểm gì
không.
TS.BS Phan Hữu Nguyệt
Diễm:
Cháu có ho và sốt rất cao, có chụp hình phổi được chần đoán là “viêm
tiều phổi” có lẽ đó là chẩn đoán viêm phổi hoặc viêm tiểu phế quản ? mà
chị ghi lại không rõ. Thông thường một bé bị viêm phổi phải uống kháng
sinh tối thiểu là 5 ngày, không có hại gì cho cháu cả,nhưng sau 2 ngày
chị nên cho cháu đến khám lại để bác sĩ quyết định là sẽ tiếp tục thuốc
cũ hay đổi thuốc, hoặc nếu cháu có triệu chứng sốt cao hơn, ho nhiều
hơn, không uống được, li bì hay thở bất thường chị nên mang cháu đến
bệnh viện khám lại ngay không chờ đến 2 ngày. Cháu chỉ ho và sốt lần đầu
nên hiện tại chưa nghĩ đến hen.
Câu hỏi:
Con tôi sinh thiếu tháng, phải nằm dưỡng nhi gần 2 tháng ở bệnh viện.
Khi ra ngoài, bé có hiện tượng thở khò khè như có đờm trong cổ họng. Khi
về nhà, khi thời tiết thay đổi, bé thường bị hắt hơi, xổ mũi & nghẹt
mũi. Bé cũng thường ra mồ hôi trộm. Đến nay, bé đã được hơn 5 tháng
tuổi, nhưng thỉnh thoảng vẫn bị nghẹt mũi. Xin hỏi bác sĩ, bé như thế có
phải bị hen suyễn không ? Và làm thế nào để chữa bệnh này ?
TS.BS Phan Hữu Nguyệt Diễm: Vì cháu sanh thiếu tháng nên tình
trạng khò khè này có thể nghĩ đến là do tình trạng trào ngược dạ dày
thực quản do cấu trúc của dạ dày và thực quản còn non, nên dễ dàng làm
cho sữa trào lên gây hít vào đường thở, chị nên cho bé nằm đầu cao sau
bú tình trạng khò khè này có thể giảm. Bé thường bị hắt hơi sổ mũi khi
thời tiết thay đổi có thể do cơ địa dị ứng, chị nên giữ ấm cho cháu,
hiện tại chưa nghĩ đến cháu bị hen.Khi bị nghẹt mũi chị có thể dung nước
muối sinh lý nhỏ mũi cho cháu 3-4 lần một ngày, để làm thông thoáng mũi.
Câu hỏi:
Tôi có con trai 4 tuổi. Cháu được chẩn đoán hen phế quản
lúc 2 tuổi. Khoảng một năm nay, cháu ít bị lên cơn khò khè. Mỗi lần cháu
khò khè và ho nhiều, tôi cho cháu Solupred 20mg/ngày và phun Ventolin
khoảng 3 ngày thì cháu hết. Khoảng 1,5 tháng là cháu bị một đợt như vậy.
Xin hỏi bác sĩ tôi điều trị như vậy có được không ? Liều Solupred như
vậy có nguy hiểm và ảnh hưởng đến sự phát triển của cháu không ? Tôi
nghe nói có thuốc ngừa cơn bằng dạng viên như singulair, liệu có cần cho
cháu uống không ?Có thuốc dạng phun của nhóm corticoid dành cho trẻ em
không ?
TS.BS Phan
Hữu Nguyệt Diễm:
Cháu bị hen, khoảng 1,5 tháng có lên cơn một lần, đây là tình trạng hen
không được kiểm soát tốt.
Do đó bên
cạnh điều trị cắt cơn bằng phun khì dung Ventoline và Solupred cháu cần
phải điều trị phòng ngừa. Điều trị phòng ngừa bao gồm tránh các yếu tố
khởi phát cơn hen và dung thuốc ngừa, có hai dạng thuốc ngừa là dạng
uống như các thuốc Singular, Montiget; dạng hít(bé 4 tuồi thường nên
dùng với buồng đệm) có hai loại đó là corticoid đơn thuấn như PULMICORT,
FLISOTIDE; hoặc phối hợp với dãn phế quản tác dụng kéo dài như:
SERETIDE, SYMBICORT. Để cháu được điều trị phòng ngừa và theo dõi đúng
chuyên khoa chị nên cho cháu đến khám tại phòng khám chuyên khoa hô hấp
của Bệnh viện Nhi đồng 1.
Câu hỏi:
Em có con trai nay được 16 tháng
rưỡi cân nặng 9.6kg, cao 77cm nhưng cháu thường xuyên bị ho, sổ mũi, khò
khè(hầu như tháng nào cũng bị). Em đưa con đi khám ở BV Nhi Đồng 1, lúc
đầu chẩn đoán cháu bị viêm mũi họng, viêm tiểu phế quản, sau đó chẩn
đoán là cháu bị suyễn cho phun khí dung (khoảng 2 lần) kết hợp với uống
thuốc khoảng 10 ngày thì hết. Xin Bác sỹ cho hỏi nếu bé bị suyễn thì lớn
lên có hết không hay là phải uống thuốc hoài như vậy? Hiện tại thì cháu
không bị bệnh nhưng em luôn lo sợ, thậm chí bị ám ảnh là ngày hôm sau
cháu lại sắp bị bệnh. Gia đình nội ngoại thì không ai bị suyễn cả, cháu
lại rất hiếu động . Muốn hết bệnh suyễn thì phải làm gì ? (môi trường
sống, ăn uống như thế nào?). Xin Bác sỹ trả lời giúp. Rất cám ơn Bác sỹ
TS.BS
Phan Hữu Nguyệt Diễm:
Thông thường trẻ em bị hen ở tuổi con chị sẽ khỏi sau 6 tuổi, có khoảng
1/3 số trường hợp bị tái phát lại bệnh hen ở tuổi trưởng thành. Chị nên
cho cháu đến khám tại phòng khám chuyên khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng
1, tại đây cháu sẽ được khám, tư vấn và hướng dẫn để quản lý hen tốt,
bệnh hen hoàn toàn có thể kiểm soát được chị không phải lo lắng. Bệnh
hen vẫn có thể xảy ra ở những trẻ hoàn toàn không có ai trong gia đình
mắc bệnh hen.Trẻ
bị hen vẫn
có thể ăn
uống bình thường
vì chỉ có 5-10% trẻ
có dị ứng
thức ăn.
Tuy nhiên, nếu trẻ
sau khi ăn thức
ăn trẻ lên cơn
ho, khò khè, thở mệt
thì lần sau phải
tuyệt đối tránh thức
ăn đó, ví dụ
như: thức
ăn biển
( tôm cua, cá biển..); trứng;
đồ hộp,
đậu phộng…
Để phòng ngưà hen cần:
1. Phòng tránh những nguyên
nhân khởi phát cơn hen: nhiễm trùng đường hô hấp (là yếu tố rất quan
trọng ở trẻ em), thay đổi thời tiết, khói thuốc lá, các chất gây dị ứng
khác: phấn hoa, lông thú (chó, mèo), gián, một số loại thức ăn, bụi
nhà,các chất có mùi nồng, một số loại thuốc (nhất là Aspirin, Ibuprofen)
2. Sử dụng thuốc phòng ngưà
lâu dài: Khi trẻ lên cơn trên 1 lần trong một tuần, hoặc trẻ bị thức
giấc vì cơn hen trên 2 lần trong một tháng, hoặc trẻ phải dùng thuốc cắt
cơn hen mỗi ngày.
Câu hỏi:
Đọc bài viết "Con tôi bị suyễn",em rất cảm thông với phụ huynh này vì
thằng bé con em cũng bệnh giống như thế. Gia đình em ở Vũng Tàu. Lúc
đầu, cháu cũng ho nhẹ và em đưa cháu đi khám tại phòng mạch tư ở Vũng
Tàu thì được chẩn đoán là Viêm họng nhưng uống thuốc không bớt, tái khám
thì được chẩn đoán là viên phế quản đến khi cháu cứ ho day dưa suốt, em
phải đưa cháu lên khám ở BV Nhi Đồng 2 và bác sĩ buộc phải nhập viện vì
cháu bị hen. Cứ về đêm, khoảng 11h là cháu ho một trận thật dài, có lúc
ói ra, em phải cho cháu uống sirô Pectol một lúc để cháu dịu lại rồi mới
đi ngủ. Xin bác sĩ cho em biết, em dùng pectol nhiều lần như thế có nguy
hiểm không ? Đôi lúc, em cũng cho cháu uống mật ong có vắt vài giọt
chanh. Phải điều trị cho cháu thế nào để bảo đảm sức khoẻ cho cháu?
TS.BS Phan Hữu Nguyệt Diễm:
Si rô pectol là loại si rô thảo dược nên rất an toàn cho trẻ em, nhưng
đây chỉ là điều trị triệu chứng, nguyên nhân ho cơn dài của cháu về đêm
có thể là biểu hiện của hen. Cháu bị ho cơn về đêm thường xuyên sẽ ảnh
hưởng đến giấc ngủ và chuyện học hành, chị nên mang cháu đến khám tại
phòng khám hô hấp của Bệnh viện nhi Đồng 1 để được hướng dẫn điều trị
phòng ngừa, bệnh hen hoàn toàn có thể kiểm soát được nếu chị cho cháu
tuân thủ chế độ điều trị của bác sĩ. Điều trị hen bao gồm điều trị cắt
cơn và điều trị phòng ngừa chị có thể tham khảo thêm các thông tin về
bệnh hen tại website của Bệnh viện Nhi Đồng 1.
TS.BS Phan Hữu Nguyệt Diễm |